Trong khi TikTok Shop đã vượt qua Lazada, vươn lên trở thành sàn thương mại điện lớn thứ 2 tại Việt Nam trong quý 2/2023 với tốc độ tăng trưởng thần tốc, thì Tiki và Sendo đang tụt lại với doanh thu, cũng như thị phần èo uột.
Theo báo cáo của nền tảng dữ liệu Metric, doanh thu NMV – tổng giá trị các đơn hàng giao thành công qua hình thức thương mại điện tử (eCommerce) tại Việt Nam đã đạt khoảng 93.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, sau khi quý 2/2023 kết thúc, TikTok Shop đã vượt qua Lazada và vươn lên thành sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Shopee. Theo Metric, thị phần doanh thu quý này của TikTok Shop và Lazada lần lượt là 20% và 16%, còn Shopee chiếm 63%.
Từ đầu năm tới nay, thị phần của Shopee tại Việt Nam gần như không thay đổi, đồng nghĩa với việc TikTok Shop đang lấy đi thị phần (Market Share) từ các sàn thương mại điện tử khác với một tốc độ tăng trưởng thần tốc.
Thời điểm mới ra mắt được 4 tháng, doanh thu TikTok Shop của TikTok đã tương đương với 80% doanh thu của Lazada trong quý 4/2022. Tới quý 1/2023, TikTok Shop chỉ kém Lazada 3,5% doanh thu và nhanh chóng vượt qua Lazada trong quý 2 vừa rồi.
Trong khi đó, 2 sàn thương mại điện tử nội là Tiki và Sendo có doanh số khá khiêm tốn. Tiki đạt khoảng 1.600 tỷ đồng doanh thu, bán ra 5,8 triệu sản phẩm. Sendo đạt 112,3 tỷ đồng tổng doanh thu, bán ra hơn 500.000 sản phẩm.
Sự tụt lại của 2 sàn thương mại điện tử Việt Nam, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok Shop là minh chứng cho xu hướng mua sắm qua video trực tuyến, vốn đang là trào lưu bắt nguồn từ các mạng xã hội ở Trung Quốc.
Theo thống kê của Metric, mua sắm qua video trực tuyến đang là loại hình phổ biến nhất của hoạt động livestream tại Việt Nam, với 62% số người được khảo sát cho biết mục tiêu xem livestream của họ là mua sắm. Ngoài ra có 49% xem để giải trí.
Khi được hỏi về thời gian trung bình xem livestream mỗi tuần, 1-3 giờ là câu trả lời phổ biến nhất với 38% đáp viên lựa chọn. Tiếp đó, 33% cho biết họ dành dưới 1 giờ mỗi tuần để xem livestream. Đáng chú ý, có tới 18% nói rằng họ dành 3-5 giờ và 7% dành 5-7 giờ.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 31%, chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì mức độ này trong khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn 2025 – 2030 ở mức 19%.
Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá, thương mại điện tử sẽ là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Mặc dù còn nhiều tiềm năng, nhưng theo các chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam đã bước qua giai đoạn tăng trưởng nóng.
Báo cáo công bố hồi tháng 12/2022 bởi công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cho rằng, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đang ở ngưỡng cửa giai đoạn thứ hai (10 năm tiếp theo tính từ chu kỳ đầu tiên 2013-2023).
Dù 2023 là năm đầu tiên trong chu kỳ mới của thị trường thương mại điện tử, nhưng mọi thứ dường như không dễ dàng bởi các “cơn gió ngược” như: lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao.
Hoàn cảnh mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại điện tử phải nhắm đến mô hình phát triển ưu tiên tính bền vững thay vì chỉ ganh đua những chỉ số ngắn hạn hay coi chiến lược giá rẻ là chìa khoá cạnh tranh.